Giấc ngủ rất quan trọng cho sức khoẻ và sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của bé, vì vậy việc tạo cho bé 1 giấc ngủ tốt là một trong những điều kiện quan trọng để bé ít ốm hơn
Để chuẩn bị cho việc rèn luyện này, cần thiết lập lịnh sinh hoạt theo EASY, và tập phân biệt ngày đêm cho bé
EASY
EASY là gì? Phần này bác sĩ viết dựa vào EASY của Tracy Hogg – Đọc vị mọi vấn đề của trẻ, để tìm hiểu chi tiết, bạn nên mua sách gốc.
Easy hiểu một cách đơn giản, đó là chuyển việc bú/ăn ra sau khi bé ngủ dậy, bé sẽ bú khi đói và tỉnh táo, chứ không để bé bú khi ngủ (dreamfeed) hoặc bú để ngủ.
E – Eat, có nghĩa là ăn
A – Active, tạm hiểu là chơi
S – Sleep, có nghĩa là ngủ
Y – Your time, tạm hiểu là thời gian để dành riêng cho mẹ, vì bé ngủ rồi
Luyện tập EASY cho bé như thế nào?
Nên nhớ rằng EASY là nhịp sinh hoạt, chứ không phải thời gian biểu, đến giờ đó là PHẢI ăn, đến giờ đó là PHẢI ngủ, bởi vì bé là một cơ thể sống chứ không phải cái đồng hồ, hay là con robot. Mẹ không thể ép bé vào một khuôn khổ kiểu đó, vì mỗi ngày với bé là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và khác biệt
Đầu tiên, hãy ghi chép chi tiết lịch trình một ngày của bé, ngủ và dậy lúc mấy giờ, ăn lúc mấy giờ, lượng ăn bao nhiêu, thậm chí có thể chi tiết hơn bằng cách ghi cả thời điểm thay bỉm, thời điểm bé ị, hay đi tắm…
Khi thống kê những điều này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự liên quan mật thiết giữa việc ăn và ngủ, những ngày bé ngủ ngoan sẽ ăn tốt hơn, và ngược lại, khi bé ăn ngoan thì giấc ngủ cũng sâu hơn, và khi tỉnh dậy bé tỏ ra vô cùng thoải mái dễ chịu
Mẹ lưu ý là EASY chỉ thực hiện ban ngày, chứ không phải nửa đêm con dậy ăn xong cũng bật điện ngồi chơi với con đâu nhé!
Phần quan trọng nhất của EASY là bố mẹ hiểu các tín hiệu của bé, như tín hiệu đói, tín hiệu buồn ngủ, tín hiệu bị kích thích quá mức…. Bé chưa biết nói, mà có biết thì cũng chưa đủ để diễn đạt trọn vẹn mong muốn của mình, vì vậy việc đọc được ngôn ngữ cơ thể của bé sẽ giúp việc chăm sóc bé trở nên dễ dàng thuận tiện hơn rất nhiều
Kết hợp những dấu hiệu của bé với nhịp sinh hoạt, bạn sẽ nhận biết là bé đang thực sự muốn gì, và đáp ứng điều đó trước khi bé bị quá căng thẳng và mệt mỏi
Chúng ta xây dựng khoảng thời gian mỗi chu kỳ E – A – S – Y dựa trên khoảng cách giữa mỗi lần ăn vào ban ngày của bé.
Trẻ sơ sinh thường sẽ ăn mỗi 2 – 2.5h/lần, và đạt 3h/lần khi bé 1 tháng tuổi, với những bé sinh non nhẹ cân thì nên được ăn 2h/lần cho đến khi đạt 2.3kg, sau đó giãn dần. Với những bé vàng da bệnh lý (đã chiếu đèn và được xuất viện) hay vàng da kéo dài thì cũng nên cho bé bú 2h/lần trong tháng đầu tiên. Thời gian chờ tối đa cho tuổi này là 4h, có nghĩa là 4h mà bé vẫn chưa đòi thì vẫn cho bé bú, nếu bé không bú, nên cầu cứu bác sĩ.
Trẻ từ 1 – 3 tháng tuổi, khoảng cách này nên duy trì ở mức 3h/lần, khoảng cách này với bé từ 4 – 6 tháng nên là 3.5 – 4h/lần, và 4h/lần với những bé từ 6 tháng
Khoảng cách này trong đêm sẽ dài hơn một cách tự nhiên, điều này giúp cho bé không phải thức dậy nhiều lần để bú trong đêm, và khi bé được khoảng 6 tháng thì việc ngủ xuyên đêm trở nên hết sức bình thường, nhiều bé có thể đạt cột mốc này sớm hơn, và điều đó là tốt cả mẹ và bé
Mẹ lưu ý đây là thời gian định mức giữa các lần bú, không phải là bất di bất dịch. Khi bé quấy khóc không thể dỗ mà mẹ xác định được là do đói, có thể rút ngắn thời gian chờ, quan sát cách bé ăn, nếu ăn ngoan và tập trung thì đúng là do đói, nhưng nếu bé chỉ coi việc ăn như phương tiện trấn an và không tỏ ra cần, thì nên kết thúc ngay lập tức. Còn đã đến giờ mà bé vẫn chưa muốn ăn thì cũng không nên cho ăn, chờ bé có dấu hiệu đói.
Quan trọng nhất, bé sẽ được cho ăn khi tỉnh táo và đói bụng, và đó là EASY.
Luyện cho bé phân biệt ngày đêm
Từ 2 – 4 tuần tuổi là mẹ đã nên tập cho bé
- Ban ngày khi bé thức, tạo thật nhiều hoạt động/âm thanh để bé chú ý, duy trì ánh sáng mạnh để bé hiểu đây là ban ngày, và không để giấc ngủ ngày dài hơn 2 tiếng
- Ban ngày khi bé ngủ, giảm ánh sáng tối đa, giữ yên tĩnh để giấc ngủ của bé tốt nhất
- Trước giấc ngủ đêm, không nên có những vận động hay chơi đùa mạnh khiến bé quá hào hứng khó ngủ
- Ban đêm khi bé thức, cũng không nói chuyện chơi đùa, không bật điện (trừ khi thay tã, hay duy trì ánh sáng ít nhất có thể)
- Ban đêm khi bé ngủ, thì cũng giống giấc ngủ ban ngày
Làm sao để đánh thức khi bé ngủ ngày quá dài: Mẹ có thể thay bỉm, dùng khăn ướt lau mông, gãi má hay xoa lòng bàn tay, bàn chân. Những cách này cũng có thể áp dụng cho trường hợp bé ngủ khi bú, để giữ cho bé thức.
Hãy thiết lập 1 trình tự ngủ đêm, có nghĩa là những hoạt động diễn ra lặp đi lặp lại mỗi lần ngủ đêm, ví dụ: Hạ thấp nhiệt độ, mặc quần áo ngủ, đọc truyện, tắt đèn, chúc ngủ ngon… Một số mẹ có thể thêm vào quy trình này những thủ tục khác như tắm, vỗ ợ hơi, mát xa, tiếng ồn trắng/tiếng mưa rơi/tiếng shh, quấn/chũn, ti giả… Nhiều lần lặp lại như vậy khiến bé hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ. Mẹ lưu ý là quấn, chũn hay ti giả không phù hợp với những bé trên 3 tháng tuổi, vì bé sẽ phụ thuộc, dưới 3 tháng thì ok
Các phương pháp luyện ngủ
Mẹ cần ghi nhớ rằng bất kỳ thay đổi lớn hay sự căng thẳng nào trong cuộc sống của bé, ví dụ vừa di chuyển quãng đường dài, 1 cái giường/cũi mới, người giúp việc mới, hay bị ốm như viêm tai giữa… đều có thể khiến quá trình luyện tập thất bại, nên trì hoãn 1 vài tuần để mọi thứ ổn định rồi hãy bắt đầu
Phương pháp không khóc: đây là phương pháp tập trung vào quy trình ngủ để từ từ khiến bé tự ngủ xuyên đêm
Giúp bé sẵn sàng để luyện
- Bé cần ăn tốt ban ngày, và ít phụ thuộc vào việc bú mẹ trong đêm (lượng bú đêm ít, chủ yếu là để dỗ bé ngủ). Nếu bé đang ăn dặm thì tránh các thức ăn khiến bé đầy bụng
- Đảm bảo bé thoải mái khi đi ngủ: quần áo mềm mại, nhiệt độ mát mẻ, vệ sinh sạch sẽ
Tiến hành:
- Thiết lập quy trình ngủ rõ ràng và cố định, trước khi ngủ 1 tiếng thì hãy giữ bé thư giãn và yên tĩnh, tránh nghịch ngợm nô đùa la hét. Đưa bé vào phòng tối mờ để bắt đầu, và tắt toàn bộ điện và im lặng.
- Quy trình ngủ ngày (nap) nên có 1 chút khác biệtt với ngủ tối, rõ ràng nhất là ở mức độ ánh sáng, không nên để phòng hoàn toàn tối cho các giấc ngủ ngày, giảm ánh sáng là được
- Không chỉ giấc ngủ, mà bữa ăn hay khi đi tắm, cũng nên tiến hành theo quy trình cố định, để giúp bé hình thành đồng hồ sinh học, và có phản xạ tương ứng khi nhận ra quy trình đó bắt đầu. Ví dụ về quy trình uống sữa: đưa vào 1 vị trí cố định, cho bé nhìn rõ bình sữa, nói gì đó với bé, rồ cho bú.
- Giấc ngủ của bé sẽ thay đổi theo tuổi, nên quy trình ngủ cũng cần có sự biến đổi linh hoạt theo bé, nhưng cần thay đổi thật từ từ
- Quy trình, chứ không phải thời gian biểu mẹ nhé, có nghĩa là nếu bé buồn ngủ trước giờ dự định cho bé ngủ, thì vẫn có thể cho bé ngủ, việc ăn cũng vậy, quan trọng là mẹ hiểu được các dấu hiệu của con
- Giúp bé dậy vào một giờ nhất định mỗi buổi sáng
- Cho bé đi ngủ sớm, tốt nhất là khoảng 7h tối, những em bé ngủ sớm có xu hướng ngủ lâu hơn các bé ngủ muộn. Mẹ có thể cho bé ngủ sớm hơn so với bình thường, mỗi ngày khoảng 15 – 30 phút, để tìm ra thời điểm nào là phù hợp nhất với con mình, ngủ dễ nhất, ngoan nhất, và dậy vui vẻ thoải mái nhất.
- Giấc ngủ ngày rất quan trọng để giúp bé có một giấc ngủ tối ngon lành. Giấc ngủ ngắn ban ngày dưới 1 tiếng (catnap) thường không khiến trẻ thoải mái, tuy nhiên nếu kéo dài quá 2 tiếng nó có thể khiến giấc ngủ tối bị ảnh hưởng.
- Giúp bé học cách tự ngủ lại mà không sự giúp đỡ bằng cách
- Tập cho bé chơi một bình trên giường nơi bé sẽ ngủ
- Cho bé một con thú hay gối để bé nằm cạnh, hoặc ôm ngủ, và chỉ dụng cho giấc ngủ tối, nếu nằm cùng mẹ thì đặt ở giữa mẹ và bé, kể cả lúc cho bú hay bế đung đưa (nếu bé đang cần những hành đồng đó để ngủ), thâm chí mẹ có thể dùng áo của mình để quấn thú bông/gối, để giúp bé cảm nhận được mùi của mẹ
- Nói với trẻ 1 câu giống nhau, hoặc bật 1 bài hát/âm thanh cố định khi cho bé ngủ, hay khi bé thức dậy trong đêm.
- Đọc 1 cuốn sách liên quan đến giấc ngủ, ngay thời điểm bé chuẩn bị ngủ, hoặc dùng 1 tấm ảnh chính con bạn đang ngủ, viết 1 câu vào đó, và gắn ở trang cuối cùng của cuốn sách. Cuốn sách có thể minh hoạ 1 em bé ngủ mà không cần ti mẹ hay ti giả.
Phương pháp CIO – Cry it out, hay còn gọi là KEMENO
Phương pháp này đơn giản là đặt bé vào giường hay cũi, sau đó kemeno cho la hét quấy khóc cho đến khi mệt lử và ngủ, không giúp đỡ hỗ trợ gì hết, có nghĩa là không cho ngậm ti mẹ hay ti giả, bé đong đưa ru hời gì hết
Nghe có vẻ rất phũ
Điểm khó khăn của CIO không phải là ở bé, mà là ở người lớn, thường thì chúng ta sẽ vô cùng khó chịu khổ sở khi nghe tiếng con khóc, hoặc tưởng tượng ra tiếng khóc của con
Đảm bảo bé không ngủ quá nhiều vào ban ngày
Đảm bảo tuân thủ quy trình ngủ, không bao gồm việc bế ru hay bú ngủ
Bắt đầu nào
- Quan sát dấu hiệu bé buồn ngủ: dụi mắt, mút tay, kéo tai, ngáp… cái này thì tuỳ từng bé, và mẹ cần phải học thật sớm những điều này
- Bắt đầu quy trình đi ngủ
- Đặt bé vào vị trí của mình (tốt nhất là cũi) đây là chỗ bé đã quen với việc ngủ trong đó, và đặt và khi bé đang còn thức
- Hãy dự đoán những phản ứng của bé: khóc lóc, la hét, vật vã…
- Ra khỏi phòng, đóng cửa lại, không phản hồi gì hết, kệ cho đến khi bé không khóc nổi nữa, và lăn ra ngủ
Phương pháp này cần vài đêm, có thể cả tuần hoặc hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra, về lâu dài, phương pháp này hoàn toàn vô hại, quan trọng là sức chịu đựng của người lớn mà thôi
Nên để bé khóc bao lâu: để bắt đầu, hãy hỗ trợ bé nếu bé khóc từ 45 phút – 1 tiếng.
Bé sẽ khóc ít dần, và kết thúc trong 4 – 7 đêm
Những đêm sau đó, có thể bé chỉ rên rỉ vài phút rồi ngủ, hoặc ngủ luôn không ọ ẹ gì nữa
Thời điểm phù hợp để áp dụng phương pháp này, là khi bé 5 – 6 tháng tuổi
Bé càng lớn thì sẽ càng khó luyện hơn, tuy nhiên khi bé hiểu là không thể kiên cường bằng người lớn, bé sẽ bỏ trò chơi khóc lóc của mình thôi
Nếu áp dụng CIO và giấc ngủ tối, thì nên áp dụng luôn với giấc ngủ ngày (nap), tuy nhiên nếu thời gian ngủ ngày của bé quá ngắn (30p hoặc ít hơn) thì CIO chỉ nên duy trì khoảng 10 phút, hoặc chấp nhận là bỏ nap đó
Sau khoảng 1 tuần luyện ngủ đêm, thì nap sẽ dễ dàng hơn, và khi bé được đặt vào cũi/giường thì sẽ tự hiểu là đã đến giờ đi ngủ, bé sẽ tự tìm ra cách tự trấn an mình để đi vào giấc ngủ
Khi nào nên dừng lại? Nếu bạn đảm bảo không gian quanh bé an toàn: đệm cứng, không có chăn, gối, gấu bông, bé không đói, không ướt hay đang ốm, thì có thể yên tâm thi gan đến bất cứ lúc nào. Nên lắp 1 camera để theo dõi bé để đảm bảo con an toàn.
Nếu bé khóc quá đến mức nôn ói, thì cũng đừng lo, điều này ko liên quan đến sức khoẻ của bé, kiên nhẫn tiếp tục, nếu bé vẫn tiếp tục nôn ói trong nhiều ngày sau đó khi luyện tập, thì nên ngưng vài tuần rồi bắt đầu lại.
Khi nào nên thôi?
Từ bỏ nếu sau 2 tuần, mà bé vẫn gào khí thế mỗi khi đi ngủ
CIO không phải 100% hiệu quả với bất kỳ em bé nào, có thể bao gồm cả con của bạn. Nếu phương pháp này khiến bạn ko thể chịu đựng được, yên tâm vì vẫn còn cách khác
Phương pháp luyện ngủ Weissbluth, đặt tên theo người bác sĩ đã mô tả nó
Phương pháp này phù hợp với những bé từ 6 tháng, nhưng tốt nhất là từ 9 tháng, vì theo bs Weissbluth, bé từ tuổi này mới không cần ti đêm nữa
Gần giống phương pháp CIO, ở chỗ bé sẽ được mặc kệ cho khóc chán tự ngủ, nhưng những điểm khác nhau cơ bản là
- Có thể dỗ bé ở mức thiu thiu rồi mới đặt vào cũi
- Chỉ cần đảm bảo trẻ không gặp nguy hiểm, không nôn trớ, không bẩn tã, thì đừng mở cửa phòng cho đến sáng hôm sau
Phương pháp này quyết liệt hơn CIO nguyên bản ở chỗ là không giới hạn thời gian, thậm chí nếu bé có khóc xuyên đêm thì cũng được
Phương pháp Feber, hay Khóc có kiểm soát
Phương pháp được đặt tên theo bs Richard Feber, người khởi xương phương pháp luyện ngủ này
Feber có thể áp dụng cho bé từ 4 – 6 tháng, và trẻ càng lớn thì sẽ càng khó hơn
Bắt đầu nào
- Đầu tiên, là quy trình đi ngủ, giống như mọi phương pháp khác
- Khi bé đã lơ mơ, nhẹ nhàng đặt bé vào giường/cũi rồi đi ra
- Bé khóc, bấm đồng hồ 3 phút, rồi quay vào dỗ, cách thức dỗ bao gồm vỗ lưng hoặc mông, hoặc dùng âm thanh shh, hoặc cả 2, không bế bé lên, không bật đèn, không cho ngậm ti mẹ hay ti giả
- Dỗ dành trong 1 – 2 phút, sau đó lại rời khỏi phòng trong 5 phút
- Đương nhiên bé vẫn còn khóc, quay lại dỗ với nguyên tắc như trên trong 1 – 2 phút, rồi lại rời khỏi phòng, lần này là 10 phút, và duy trì 10 phút 1 lần, cho đến khi bé ngủ hẳn
- Nếu bé thức dậy và khóc trong đêm, tiếp tục lặp lại từ đầu như trên
- Đêm thứ 2, hãy bắt đầu với 5 phút, lần 2 10 phút, lần 3 12 phút, duy trì 12 phút
- Đêm thứ 3, bắt đầu với 10 phút, lần 2 12 phút, lần 3 15 phút, duy trì 15 phút
- Đêm thứ 4, bắt đầu với 12 phút, lần 2 15 phút, lần 3 17 phút, duy trì 17 phút
- Đêm thứ 5, bắt đầu với 15 phút, lần 2 17 phút, lần 3 20 phút, duy trì 20 phút
- Đêm thứ 6, bắt đầu 17 phút, lần 2 20 phút, lần 3 25 phút, duy trì 25 phút
- Đêm thứ 7, bắt đầu 20 phút, lần 2 25 phút, lần 3 30 phút, duy trì 30 phút
Trẻ thường phản ứng dữ dội nhất vào đêm thứ 2 và thứ 3, sau đó sẽ giảm dần
Áp dụng Feber cho cả những giấc ngủ ban ngày (nap)
Phương pháp luyện ngủ Cái ghế, hay còn gại là phương pháp Cắm trại
Thêm một phương pháp luyện ngủ không nước mắt nữa cho mẹ lựa chọn nhé, và nó cũng phù hợp để bắt đầu ở lứa tuổi 4 – 6 tháng
Phương pháp này đơn giản là kiếm 1 cái ghế, đầu tiên đặt nó cạnh cũi của bé, nói những lời an ủi, shh, và vỗ về khi cần, từ từ tập cho bé ngủ chỉ bằng những âm thanh mẹ tạo ra, sau đó lùi dần ra xa theo từng đêm, cho đến khi cái ghế đó không còn ở trong phòng của bé nữa
Giấc ngủ đêm hay ngày, thì cũng làm như vậy
Phương pháp này dành cho các bé sẽ ngủ chỉ cần ai đó ở cạnh, như mẹ hay bà chẳng hạn, với sự vỗ về nhẹ nhàng, hoặc lời nói. Còn với những bé phụ thuộc những thứ khác như ti giả, ti mẹ… thì sẽ khó áp dụng, thời gian của nó cũng kéo dài, tầm vài tuần, chứ không nhanh như CIO hay Feber
Phương pháp bế lên đặt xuống
Phương pháp này đúng như cái tên của nó, đơn giản là bế lên và đặt xuống, phương pháp này được Traccy Hogg mô tả
Khi bé thiu thiu ngủ, mẹ đặt bé vào giường, và nếu bé khóc thì chờ một chút, rồi bế lên dỗ dành cho đến khi nín và lại thiu thiu, mẹ lại đặt bé xuống, bé khóc và mẹ bế lên, cứ như vậy cho đến khi đặt và bé không khóc nữa, ngủ luôn. Và nếu trong khi ngủ, bé giật mình khóc, thì mẹ lại tiến hành như trên
Phương pháp này có nhược điểm là thời gian kéo dài, có thể đến vài tuần, thậm chỉ vài tháng, bạn có lẽ nên sắm 1 thiết bị mát xa lưng, để có thể kiên cường áp dụng