Luyện ngủ xuyên đêm cho bé

Làm sao để bé ngủ xuyên đêm?

  1. Hãy thiết lập trình tự ngủ càng sớm càng tốt: Bé cần làm quen với việc khi có 1 loạt các thủ tục diễn ra, thì có nghĩa là ngủ, ví dụ, khi mẹ nhận ra các dấu hiệu buồn ngủ của con thì:
  • Giảm ánh sáng (tắt điện, kéo rèm)
  • Đặt vào giường/cũi
  • Quấn
  • Ngậm ti
  • Vỗ lưng/mông
  • Yên tĩnh, không nói chuyện và không nhìn vào mắt bé

Việc nhận ra những tín hiệu buồn ngủ rất quan trọng, tín hiệu đó ở mỗi bé có thể không hoàn toàn giống nhau

  • Ngáp
  • Mắt nhỏ lại, cau mày
  • Dụi mắt
  • Gãi tai
  • Bám lấy mẹ
  • Khóc (tiếng khóc buồn ngủ khác với những nhu cầu khác)

Nếu không nhận ra và đáp ứng những tín hiệu này sẽ khiến bé mệt mỏi quá mức, có thể dẫn đến gắt ngủ, ngủ chập chờn

Nhớ 1 điều quan trọng: đừng bao giờ để bé quen với việc ngủ trên tay người lớn

  1. Thiết lập lịch sinh hoạt, sao cho ngủ và bú không diễn ra đồng thời

Rất nhiều mẹ đang để cho bé bú ngay trước khi đi ngủ, dẫn đến bé quen với việc phải mút mút thì mới ngủ được, thay đổi nó bằng cách chuyển cữ bú ra sau khi thức dậy, và bé sẽ được đưa vào giấc ngủ không nhờ ti sữa (tham khảo thêm phương pháp EASY)

  1. Giãn cữ bú đúng theo tuổi của bé, việc bé bú lắt nhắt ban ngày cũng sẽ khiến ban đêm bé phải dậy nhiều lần để bú
  • 0 – 1 tháng tuổi: 2 – 2.5h/lần
  • 1 – 3 tháng tuổi: 2.5 – 3h/lần
  • 3 – 6 tháng tuổi: 3.5 – 4h/lần
  • 6 – 12 tháng: 4h/lần (ở tuổi này bé đã ăn, nếu ăn và bú riêng thì tính là 2 cữ khác nhau, cần cách 4h, nếu trong 1 cữ bé vừa ăn vừa bú, thì tính là 1 cữ.

Ban đêm khoảng cách giữa các cữ sẽ dài hơn (trong trường hợp bé còn ti đêm)

Không đánh thức bé vào ban đêm để cho uống sữa, nếu như bé ngủ ngoan (trừ những bé dưới 1 tháng tuổi) Bé từ 6kg là có đủ năng lượng dự trữ để ngủ xuyên 1 giấc 8 – 12 tiếng không cần bú

  1. Nếu bé ti đêm quá nhiều, thì tìm cách giảm dần lượng sữa mỗi cữ (đừng giảm nhiều quá trong 1 lần, và đừng giảm đồng thời tất cả các cữ) mỗi lần 5 – 10ml và đảm bảo bé vẫn ngủ ngon, nếu giảm mà bé khóc thì giữ ở mức cũ vài hôm, rồi lại giảm tiếp, sau khi cữ đó đã cắt, hoặc lượng bú chỉ còn 10 – 20ml thì kéo cữ tiếp theo lại gần hơn: Ví dụ: Cữ 1 lúc 0h và cữ 2 lúc 3h, thì sau khi cắt hoặc giảm cữ 1, mẹ kéo cữ 2 về mốc 1h30 chẳng hạn. Kiên nhẫn thực hiện từng bước một thì phản ứng của bé sẽ dễ chịu hơn. Khi chỉ còn 1 cữ trong đêm thì mẹ kéo dài thời gian chờ của bé mỗi ngày 1 chút, mỗi lần 10 – 20 phútL Ví dụ: Cữ này bé bú lúc 3h, thì ngày thức nhất cho chờ đến 3h10, ngày thứ 2 đến 3h20, cố gắng vỗ về dỗ bé hoặc cho ngậm ti giả, trường hợp bé quá khóc thì tạm ngưng ít ngày không giãn cữ để bé quen dần
  2. Nếu bé thức dậy nhiều lần không phải vì đói, mà vì thói quen (ngậm ti mút vài cái rồi lại ngủ, hoặc khóc to đòi mẹ bế thì mới ngủ lại)
  • Mẹ tăng dần thời gian chờ của bé trước khi được hỗ trợ: 5 phút, 10 phút… vỗ về trấn an bé để đi vào giấc ngủ
  • Nếu sau thời gian chờ mà bé vẫn khóc, thì hỗ trợ bé: ngậm ti hay bế lên
  • Với những bé cần bế lên, sau khi bé nín khóc, mẹ đặt bé xuống ngay, đương nhiên bé sẽ khóc lại, lúc đó mẹ lại bế, và tương tự như trên, bé nín khóc là mẹ trả bé lại trên giường, cứ xác định sẽ phải làm rất nhiều lần như vậy, cho đến khi bé ngủ. Mẹ cứ coi như đây là cái giá phải trả cho việc khiến bé quen với việc ngủ trên tay. Sau vài ngày thì bé sẽ quen, và ít khóc dần.